Chủ nhật, ngày 15 tháng 09 năm 2024
Điện thoại di động trả sau
Dịch vụ internet
Điện thoại di động trả trước
Dịch vụ truyền số liệu
Dịch vụ theo yêu cầu MyTV
Dịch vụ chữ ký số
Dịch vụ phát wifi/3G cho xe khách
Dịch vụ quảng cáo doanh nghiệp 1080

Chuyển đổi số cơ hội và thách thức sống còn với doanh nghiệp

06-30-2022 15:28:23 GMT+7
|

Chiều 29/6, Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hà Nội (HBA) phối hợp với Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD) và Viễn thông Hà Nội - Chi nhánh Tập đoàn Viễn thông Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Chuyển đổi số với doanh nghiệp”.

Đây là Hội thảo giúp các doanh nghiệp hội viên tiếp cận, nhận thức sâu hơn về vấn đề áp dụng công nghệ kỹ thuật số trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Chuyển đổi số đang là yêu cầu, xu hướng tất yếu, khách quan để cộng đồng doanh nghiệp đứng vững và phát triển. Chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp thay đổi phương thức làm việc, sản xuất thông qua sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào hoạt động kinh doanh của mỗi đơn vị, doanh nghiệp nhằm thay đổi cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và đem đến những hiệu quả cao hơn, giá trị mới hơn…

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Hồng Sơn - nguyên Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chủ tịch VACOD, Chủ tịch HBA cho biết, “Chuyển đổi số” nếu đạt hiệu quả, hoạt động này sẽ thay đổi toàn diện cách thức mà một doanh nghiệp hoạt động, tăng hiệu quả hợp tác, tối ưu hóa hiệu suất làm việc và mang lại giá trị cho khách hàng.

Ông Nguyễn Hồng Sơn cho biết thêm, qua khảo sát về tình hình chuyển đổi số của các doanh nghiệp, Bộ KH&ĐT nhận thấy, các doanh nghiệp Việt vẫn còn gặp phải những rào cản, khó khăn.

Trong đó, có tới 60% doanh nghiệp nói rằng chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ là một rào cản. Ngoài ra, thách thức đối với quá trình chuyển đổi số còn đến từ việc làm sao để thay đổi được thói quen, tập quán kinh doanh và tìm kiếm ở đâu nguồn nhân lực hỗ trợ chuyển đổi số.

"Với mục tiêu hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô vượt qua khó khăn thách thức do đứt gãy các chuỗi cung ứng sản xuất và cách ly xã hội trong 2 năm vừa qua, sự kiện nhằm mục đích giúp các doanh nghiệp hội viên giải đáp những thắc mắc, tiếp cận, nhận thức sâu hơn về vấn đề áp dụng công nghệ kỹ thuật số trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư" - TS. Nguyễn Hồng Sơn cho hay.

TS. Nguyễn Hồng Sơn - nguyên Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam, Chủ tịch VACOD, Chủ tịch HBA phát biểu tại Hội thảo.

Đồng thời cho biết, chuyển đổi số đang là việc quan trọng để cộng đồng doanh nghiệp đứng vững và phát triển, giúp các doanh nghiệp thay đổi phương thức làm việc, sản xuất thông qua sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào hoạt động kinh doanh của mỗi đơn vị, doanh nghiệp nhằm thay đổi cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và đem đến những hiệu quả cao hơn.

Tham luận tại hội thảo Trưởng Ban Dự án Chuyển đổi số Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) của VNPT Đặng Duy Khánh đã thuyết trình, giới thiệu hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ của VNPT trong chuyển đổi số doanh nghiệp.

Hiện Việt Nam có hơn 850.000 doanh nghiệp, trong đó 98% là doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ (SME), đóng góp 45% vào GDP hàng năm. Trong đó, riêng TP Hà Nội có khoảng 281.228 doanh nghiệp.

Cũng theo ông Đặng Duy Khánh, mục tiêu của chuyển đổi số doanh nghiệp là tăng doanh thu, giảm chi phí, tạo ra mô hình kinh doanh mới. Cụ thể, chuyển đổi số sẽ giúp tăng doanh thu thông qua dịch vụ quảng cáo số; Dịch vụ email Marketing; Kênh thương mại điện tử; Thanh toán và giao nhận; Quản trị khách hàng đa kênh, hợp nhất; Tổng đài số.

Chuyển đổi số cũng sẽ giúp giảm chi phí khi ứng dụng các dịch vụ giao dịch với cơ quan quản lý nhà nước (SmartCA, BHXH); Văn phòng điện tử, hội nghị trực tuyến; Phần mềm quản trị nội bộ: ERP, DMS, AMS… Đào tạo trực tuyến…

Ông Đặng Duy Khánh cũng đưa ra khung chuyển đổi số VNPT giúp các doanh nghiệp định hình vào các lĩnh vực, mục tiêu quan tâm nhất, nghiệp vụ cần thực hiện để chuyển đối số một cách rõ ràng với các thứ tự ưu tiên cụ thể.

Theo ông Khánh, các giai đoạn trưởng thành số của doanh nghiệp gồm: Giai đoạn 1: Số hóa - Chuyển đổi dữ liệu sang dạng số hoá; Giai đoạn 2: Ứng dụng công nghệ số: Đưa ứng dụng công nghệ vào quy trình, sản phẩm của doanh nghiệp; Giai đoạn 3: Sử dụng dữ liệu số, ứng dụng số tạo ra mô hình kinh doanh và giá trị mới.

Các lộ trình mẫu chuyển đổi số gồm: Xác định hiện trạng và mục tiêu, sau đó lên chương trình hành động và chuẩn bị nguồn lực; Triển khai và Đánh giá kết quả rồi rút kinh nghiệm.

Tại VNPT đang có hệ sinh thái chuyển đổi số doanh nghiệp, cung cấp các sản phẩm dịch vụ đa dạng theo nhu cầu chuyển đổi số của khách hàng trên các trụ cột nhằm gia tăng trải nghiệm khách hàng, tối ưu hoạt động điều hành quản trị doanh nghiệp và đổi mới mô hình kinh doanh

Ông Đào Đình Khả - Viện Quốc tế Pháp ngữ (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, từ tác động của xu thế bùng nổ công nghệ trong một môi trường kết nối bao trùm sẽ giúp chi phí công nghệ cơ bản giảm mạnh; Sự cộng hưởng/hội tụ của công nghệ tạo thành các sản phẩm công nghệ mới; Công nghệ đột phá mở ra các mô hình kinh doanh mới thay đổi các ngành; Các cơ hội ứng dụng công nghệ đa dạng mang lại cơ hội đổi mới sáng tạo…

Bên cạnh đó, công nghệ truyền thông thế hệ mới sẽ giúp cho sự kết nối được diễn ra mọi lúc, mọi nơi, mọi chiều và phổ cập. Môi trường kết nối cũng dẫn đến sự lựa chọn và yêu cầu đa dạng: Thách thức mới đòi hỏi liên tục đổi mới sản phẩm, dịch vụ. Tác động của xu thế bùng nổ công nghệ cũng sẽ dẫn đến sự bùng nổ thông tin và tri thức.

TS Đào Đình Khả cũng cho biết, môi trường số sẽ giúp thay đổi hoạt động kinh doanh. Các doanh nghiệp sẽ đưa ra các sản phẩm mới, dịch vụ mới. Dẫn đầu thị trường cần khả năng nắm bắt cơ hội mới. Các ví dụ điển hình về kinh nghiệm là Yahoo, Toshiba, Kodak. Đây là những doanh nghiệp không bắt cơ hội mới khiến cho thương hiệu bị mai một và bị phá sản.

Môi trường số cũng là thước đo giá trị sản phẩm. Tuy nhiên theo TS. Đào Đình Khả, doanh nghiệp cần liên tục đổi mới sáng tạo để cạnh tranh bền vững trong môi trường số nhiều biến động, cần phương thức mới để đổi mới sáng tạo hiệu quả và cạnh tranh bền vững. Các doanh nghiệp cần chuyển đổi số bởi các thay đổi riêng rẽ dưới dạng các dự án ứng dụng CNTT trước đây không giải quyết được thấu đáo vấn đề.

Chuyển đổi số sẽ hỗ trợ nghiệp vụ hiện có, giúp doanh nghiệp tập trung vào quy trình nội bộ, tiếp cận tổng thể, toàn diện lấy khách hàng là trung tâm. Chuyển đổi số cũng giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình, trải nghiệm mới, sản phẩm dịch vụ mới.

Chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Dự án Khoa học - Công nghệ Hanel Phạm Tuấn Vũ thẳng thắn, bảo vệ tài sản số của doanh nghiệp trong thời đại số cho rằng, chuyển đổi số với doanh nghiệp là quá trình thay đổi cách làm việc - hoạt động kinh doanh sản xuất của doanh nghiệp trên môi trường số. Trong quá trình chuyển đổi số thì tài sản của doanh nghiệp không còn là những tài sản hữu hình mà còn bao gồm cả những tài sản số.

Cũng theo ông Phạm Tuấn Vũ, tài sản kỹ thuật số là bất kỳ thứ gì chỉ tồn tại ở dạng kỹ thuật số và đi kèm với quyền sở hữu riêng biệt như: Ảnh, logo, hình minh họa, phương tiện nghe nhìn, bản trình bày, bảng tính, tranh kỹ thuật số, tài liệu văn bản, thư điện tử, trang web, ứng dụng phần mềm, cơ sở dữ liệu....

Hiện, các doanh nghiệp đang gặp phải những thách thức như: Các ứng dụng chuyển dần lên các nền tảng điện toán đám mây; tăng tốc trong việc khai phá thị trường trong hành trình chuyển đổi số; kỳ vọng khách hàng đối với việc thiết lập quyền riêng tư và an ninh thông tin tiếp tục tăng; Cạnh tranh tiếp tục tác động đến chiến lược kinh doanh.

Tuy nhiên, có một giải pháp bảo mật ứng dụng hiệu quả sẽ giúp tạo ra kết quả bảo mật cao, nhanh chóng thích ứng với nhu cầu kinh doanh và các bản nâng cấp không ảnh hưởng đến các công việc DevOps.